Bên cạnh thiết kế đèn và đồ nội thất để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, cây đàn dương cầm PH Grand Piano do Poul Henningsen thiết kế cũng từng là một “vụ nổ” mà ông đã châm ngòi, bằng ngọn lửa của tinh thần cấp tiến và lòng quyết tâm đi theo con đường khác biệt

Nếu bạn hỏi một người Đức về “tượng đài” thiết kế, họ sẽ tự hào kể về Walter Gropius; nếu bạn hỏi một người Mỹ, họ dễ dàng thốt lên “Frank Lloyd Wright”; và nếu bạn hỏi một người Scandinavia, họ sẽ gật gù: “Không ai khác ngoài Poul Henningsen”. Di sản thiết kế của Poul Henningsen (1894 – 1967) từ đồ nội thất đến đàn dương cầm, vào thời đại của ông và cả sau này, là tiếng nói của sự tự do sáng tạo mạnh mẽ vượt ra ngoài vùng lãnh thổ Đan Mạch – quê hương ông, trở thành biểu tượng có sức ảnh hưởng đến quan điểm thẩm mỹ của cả vùng đất Bắc Âu rộng lớn.

Với tư cách là nhà thiết kế, kiến ​​trúc sư, đôi khi là nhà văn và nhà bình luận văn hóa, Poul Henningsen đã để lại cho hậu thế một kho tàng các tác phẩm mang tính ứng dụng cao và thẩm mỹ vượt thời gian. Bên cạnh thiết kế đèn và đồ nội thất nổi bật, cây đàn dương cầm PH Grand Piano do Poul Henningsen thiết kế cũng từng là một “vụ nổ” mà ông đã châm ngòi, bằng ngọn lửa của tinh thần cấp tiến và lòng quyết tâm đi theo con đường khác biệt.

Poul Henningsen và triết lý bền bỉ về sự tiện dụng

BÊN TRÊN Mẫu đàn PH Grand Piano do Poul Henningsen thiết kế năm 1930 (Ảnh: do Impressivo, PH Pianos cung cấp)

Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, Poul Henningsen được nuôi dưỡng trong môi trường sáng tạo ngay từ nhỏ. Từ thời niên thiếu, Henningsen đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với việc tự tay tạo ra mọi thứ. Những trải nghiệm từ việc làm đồ thủ công, đến làm việc trong ngành mộc đã hình thành nên nền tảng vững chắc cho sự nghiệp kiến trúc sau này của ông. Đối với ông, thiết kế không chỉ là lý thuyết mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc về vật liệu và công năng.

Suốt cuộc đời, ông luôn theo đuổi một triết lý thiết kế rõ ràng: đơn giản, tiện dụng và tập trung vào mục đích sử dụng. Dù là kiến trúc, nội thất, hay những sáng tác văn chương, tất cả đều mang dấu ấn của một tư duy thiết kế nhất quán. Henningsen tin rằng việc sống trong môi trường được thiết kế tốt, tiện dụng và mang tính thẩm mỹ là quyền cơ bản của mọi người, bất kể địa vị xã hội. Đây là triết lý bền bỉ đằng sau mọi tác phẩm của ông.

PH Grand Piano – “Chất xúc tác” của thời đại

BÊN TRÊN Poul Henningsen và cây đàn PH Piano (Ảnh: ToneArt / PH Pianos)

Poul Henningsen vốn dĩ đã có cho mình một tư tưởng cấp tiến riêng biệt. Khi phong trào Bauhaus bắt đầu nhá nhem những bước phát triển đầu tiên và bao trùm ngành thiết kế thế giới vào những năm 1930, Henningsen cũng là một phần trong nhóm các kiến trúc sư và nhà thiết kế tiến bộ, những người tin rằng các phương pháp truyền thống xây dựng và thiết kế truyền thống cần được cải tiến. Sự thay đổi tư duy này bắt đầu xuất hiện từ đầu thập niên 1920, khi Kaare Klint thiết kế một cây đàn piano từ gỗ tự nhiên, thay cho lớp sơn bóng đen quen thuộc của đàn đại dương cầm, giúp nó hòa hợp với các món nội thất và nhạc cụ gỗ khác trong không gian.

Henningsen tiếp nối ý tưởng này và đẩy nó lên một tầm cao mới với thiết kế đột phá của PH Grand Piano năm 1930. Ông đặt câu hỏi về sự cần thiết của vỏ gỗ truyền thống trên đàn đại dương cầm và quyết định loại bỏ nó hoàn toàn. Thiết kế của PH Grand Piano để lộ cơ chế hoạt động bên trong đàn, cho phép người thưởng thức âm nhạc nhìn thấy từng chuyển động của búa đàn, mang đến trải nghiệm âm nhạc sống động và chân thực chưa từng có.

BÊN TRÊN Poul Henningsen và cây đàn PH Piano tại triển lãm “Your Home” được tổ chức tại Copenhagen vào năm 1931 (Ảnh: ToneArt / PH Pianos)

Khi Henningsen trình làng chiếc đàn PH Grand Piano đầu tiên hay còn gọi là “đàn piano thủy tinh”, nó đã gây chấn động tại triển lãm “Your Home” được tổ chức tại Copenhagen vào năm 1931. Poul Henningsen không thích nhiều khía cạnh của “ngôi nhà truyền thống”, đặc biệt là cách mọi người thường đặt ảnh và tranh lên nắp đàn piano. Ông tin rằng đàn piano không nên được sử dụng như một chiếc tủ hoặc kệ mà chỉ nên được sử dụng cho mục đích là một nhạc cụ. Do vậy, nắp đàn cong của chiếc PH Grand Piano được thiết kế với mục đích để mọi người khó đặt các vật dụng lên trên. Ông cho rằng: “Nhạc cụ phải mang dấu ấn của người làm đàn piano, chứ không phải của một người thợ mộc tay ngang. Trên thực tế, việc cố gắng biến cây đàn piano thành món đồ nội thất cũng vô vọng như việc ngụy trang một cây vĩ cầm thành một hộp đựng đồ nghề vậy”.

Với tinh thần đó, PH Grand Piano vẫn giữ nguyên giá trị của một thiết kế tiên phong vốn có, được đánh giá cao từ cả góc nhìn lịch sử lẫn đương đại. Những phiên bản hiện đại của chiếc đàn, sản xuất bởi PH Pianos, tiếp tục được săn đón, trở thành “giấc mơ” của nhiều người nhờ thiết kế độc đáo và giá trị vượt thời gian.

PH Bow Grand Piano do Poul Henningsen thiết kế năm 1937 (Ảnh: Instagram / @ph_pianos)

Poul Henningsen nhận thấy rằng thế giới âm nhạc cổ điển cực kỳ bảo thủ, thế nên ông đã được truyền cảm hứng để tạo ra một tác phẩm thực thụ, phá vỡ các khái niệm truyền thống về thiết kế đàn piano. Qua đó, ông đã truyền cảm hứng cho các nhà soạn nhạc và nhạc công, giúp họ có nhiều cảm hứng sáng tác và chơi nhạc theo cách sáng tạo hơn.

BÊN TRÊN Søren Vincents Svendsen, Giám đốc điều hành PH Pianos, là người tiên phong mang chiếc đàn PH Piano trở lại với thế giới âm nhạc đương đại (Ảnh: do Impressivo, PH Pianos cung cấp)

Hiện nay, giấc mơ sở hữu cây đàn PH Grand Piano tại Việt Nam đã dễ dàng trở thành hiện thực. Impressivo, nhà phân phối độc quyền và chính thức của PH Pianos tại Việt Nam, được ToneArt (Đan Mạch) ủy quyền – đơn vị nắm giữ quyền sản xuất, tiếp thị và phân phối toàn cầu cho dòng đàn danh tiếng này dưới sự cấp phép của gia tộc Poul Henningsen. Mỗi cây đàn PH được chế tác tinh xảo theo đúng thông số kỹ thuật nguyên bản của Henningsen, mang vẻ đẹp vượt thời gian, kết tinh từ tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân làm đàn bậc thầy.

Theo: TATLER VIỆT NAM

Nguồn: https://www.tatlerasia.com/homes/architecture-design/design-legacy-of-poul-henningsen-in-ph-pianos-vn

 

Bài viết liên Quan

Hoài niệm về những ký ức đẹp tại đêm nhạc cổ điển The Memories

Vào ngày 23 tháng 6 vừa qua, buổi hòa nhạc The Memories đã thu hút đông đảo khán giả yêu nhạc cổ điển. Một

Cuộc thi piano mang tầm cỡ quốc tế Grand Opus Piano Competition chính thức trở lại

Từ ngày 12/05 năm 2024 tại Việt Nam, Grand Opus Piano Competition (GOPC) 2024 – Cuộc thi piano mang tầm cỡ quốc tế dành

Luxuo góp phần lan tỏa âm nhạc cổ điển cùng đối tác chiến lược Impressivo Klaviere & Flugel

Buổi ký kết giữa Luxuo Media Group và Impressivo Klaviere & Flugel đánh dấu mục tiêu và sứ mệnh mang nhạc hàn lâm đến

ArtRepublik: Nghệ sĩ Bích Trà: “Mỗi cây đàn là một linh hồn”

Ngày 6/12 vừa qua, khán giả yêu nhạc cổ điển tại thành phố Hồ Chí Minh đã có dịp chìm đắm trong những giai

CafeF: Thị trường piano Việt Nam ngày càng sôi động: Làm sao bán được cây đàn giá vài chục tỷ?

Phân khúc thị trường piano cao cấp đã xuất hiện ở các thị trường phát triển khác trên thế giới trong nhiều chục năm.

L’OFFICIEL: Impressivo Klaviere & Flugel – Hệ sinh thái về piano đẳng cấp và nghệ thuật

Là một hệ sinh thái âm nhạc, Impressivo Klaviere & Flugel bao gồm showroom chuyên giới thiệu và cung cấp các thương hiệu đàn